Đến với Hà Giang vào những ngày thu, du khách được đắm chìm trong không gian rộng lớn của đất trời. Bầu trời dường như trong xanh, cao vời vợi, những làn mây trắng vờn trên những đỉnh núi. Những con đường đèo dốc, uốn lượn như những chú trăn khổng lồ chuyển mình qua những dãy núi. Những dòng sông trở nên hiền hòa trong xanh, chứ không trở nên giữ dội như ngày mưa xối xả của mùa hạ.
Những dòng sông hiền hòa trong tiết trời thu
Mùa thu đến với mảnh đất địa đầu của tổ quốc, trên những thửa ruộng bậc thang trùng trùng điệp điệp nối tiếp nhau,uốn lượn tựa lưng vào những dãy núi. Những thửa ruộng khoác lên chiếc áo màu vàng rực rỡ với mùi thơm nồng nàn của lúa mới.
Đến nơi đây vào thời điểm này du khách có cơ hội tìm hiểu về cuộc sống của những người nông dân trong những ngày mùa. Ngắm nhìn những đôi tay thoăt thoắt của những cô gái dân tộc đang gặt lúa. Những đứa trẻ tung tăng nô đùa trên những thửa ruộng còn trơ gốc rạ. Nụ cười trong trẻo hồn nhiên của lũ trẻ như không màng đến cái vất vả của cuộc sống vùng cao.
Chiêm ngưỡng những thửa ruộng bậc thang Kỳ Vỹ
Ruộng bậc thang là hình ảnh khá quen thuộc trong các vùng nông thôn miền núi. ở Hà Giang cũng vậy ruộng bậc thang có ở khắp mọi nơi, rải rác ở các huyện nhưng có lẽ đẹp và kỳ vỹ hơn cả là ruộng bậc thang ở Hoàng Su Phì. Ruộng bậc thang chủ yếu tập trung trên 6 bản: Bản Luốc, Sán Sả Hồ, Bản Phùng, Hồ Thầu, Nậm Ty và Thông Nguyên.
Không khuất phục trước những khó khăn khi phải canh tác trên địa hình nhiều đồi núi dốc. Những người nông dân từ bao đời đã sáng tạo nên những thửa ruộng bậc thang. Đây là nơi trồng trọt chủ yếu của đồng bào H’Mông, Hà Nhì, La chí, Dao, Tày, Nùng…
Từ tháng 9 năm 2011 Ruộng bậc thang ở Hoàng Su phì được công nhận là di tích quốc gia góp phần thúc đẩy phát triển du lịch trong tỉnh. Đưa hình ảnh của Hà Giang đến gần hơn với bạn bè quốc tế.
Chinh phục đỉnh Tây Côn Lĩnh huyền thoại
Đến nơi đây vào mùa thu, cùng với việc chiêm ngưỡng vẻ đẹp lộng lẫy từ những thửa ruộng bậc thang. Đặc biệt đối với những du khách yêu thích du lịch khám phá hãy trải nghiệm trên hành trình chinh phục đỉnh Tây Côn Lĩnh.
Nằm ở độ cao 2.427 m Tây Côn Lĩnh là ngọn núi cao nhất vùng Đông Bắc và được mệnh danh là nóc nhà vùng Đông Bắc. Trải dài qua 2 huyện của tỉnh Hà Giang: huyện Hoàng Su Phì và huyện Vị Xuyên. Trên hành trình chinh phục Tây Côn Linh du khách được thỏa sức ngắm những đồi chè san tuyết cổ thụ hàng trăm năm tuổi tại xã Hầu Thào.
Từ trên đỉnh Tây Côn Lĩnh ngắm nhìn những bản làng của người Tày, người Dao, người H’Mông, La Chí thấp thoáng sau những rặng cây, hay xen giữa những thửa ruộng bậc thang trùng điệp.Khung cảnh thanh bình ấy đủ làm cho du khách quên đi cuộc sống xô bồ, ồn ào của những nơi đô thị. Xua đi những mệt mỏi, âu lo để tận hưởng cảm giác bình yên khi đến với mảnh đất này.
Thưởng thức những đặc sản của mùa thu
– Chè San Tuyết: Đến nơi đây vào mùa thu, du khách tìm mua cho mình những gói chè San Tuyết như một quà dành tặng cho người thân, cho bạn bè. Chè San Tuyết ở đây có vị thơm ngon, đậm đà hơn hắn các loại chè thông thường khác. Có lẽ bởi được trồng ở độ cao hơn 2.000m, được uống những giọt sương mai trong lành của mảnh đất địa đầu tổ quốc nên loại chè này không những sạch mà còn rất thơm ngon.
– Nhiều loại gia vị thơm ngon: Bên cạnh chè San Tuyết du khách đến nơi đây có thể tìm mua những loại gia vị độc đáo của miền núi như: Thảo quả, hồi, quế, hạt dổi..đều là những thứ gia vị thơm ngon cho rất nhiều món ăn.
– Đặc sản thịt chuột: Đến với nơi đây vào mùa thu hoạch du khách được khám phá món ăn rất độc đáo của người La Chí, đó là món thịt chuột. Chuột được làm sạch và để khô trên gác bếp và ăn dần. Đây là món ăn ưa thích của đồng bào dân tộc La Chí, được ăn phổ biến như món thịt lợn của người Kinh.
Thịt chuột món ăn yêu thích của người La Chí
– Đặc sản thịt lợn đen: Lợn đen ở Hoàng Su Phì chủ yếu được đồng bào các dân tộc nơi đây nuôi thả rông, nên lợn nhỏ, nạc và rất thơm. Có rất nhiều món ngon từ thịt lợn đen để du khách thưởng thức như: lợn xiên ướp riềng nướng, lợn nướng tảng, lợn hấp,tiết canh…
Thịt lợn đen nướng hấp dẫn, thơm ngon
– Đặc sản cốm của người La Chí: Đến với nơi đây vào mùa thu du khách có cơ hội tìm hiểu và thưởng thức loại cốm được làm hoàn toàn bằng phương pháp thủ công của người La Chí. Cốm sau khi trải qua 6 bước, được gói bọc trong các lá chuối dùng để đãi khách quý khi đến nhà hoặc trong các dịp đặc biệt của gia đình. Ngày nay cùng với việc phát triển du lịch cốm được những người La chí làm và bày bán trên các phiên chợ như một món quà vặt cho du khách khi đến nơi đây.
Cảnh làm cốm của người La Chí
Cốm mùa thu thơm dẻo – món ăn vặt cuốn hút du khách
Đến Du lịch Hà Giang vào mùa thu để tận hưởng tiết trời mát mẻ giữa khung cảnh núi rừng hùng vỹ. Để được ngắm chiếc áo vàng rực rỡ của mùa thu trên những cánh đồng lúa chín, hít thở mùi hương lúa nồng nàn để thấy thêm yêu mỗi vùng đất của làng quê Việt.